The Palace Residence
The
Palace
Residence

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Trước kia, sổ đỏ, sổ hồng là giấy tờ để quan trọng chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu của ai đó. Nhưng ngày nay, Pháp luật Việt Nam đã bắt đầu ban hành quy định sử dụng sổ mới với tên gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. 

Thông tin ban hành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” hay còn được người dân gọi là “Sổ mới” được Pháp luật ban hành ngày 19/10/2009 theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và Thông tư số 77/2009/TT-BTNMT. Mẫu giấy chứng nhận được cấp bởi Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.

Theo Điều 3 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP nêu rõ các nguyên tắc cấp giấy chứng nhận cho người dân bao gồm:

  1. Giấy chứng nhận chỉ được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với diện tích đất theo từng thửa đất.

Trong trường hợp người đó đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, đất để nuôi trồng thủy sản, đất để làm muối trên cùng xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì sẽ được cấp một Giấy chứng nhận chung cho tất các thửa đất đó.

  1. Thửa đất có nhiều người sử dụng, nhiều chủ sở hữu nhà ở và các loại  tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp cho từng người sử dụng đất, từng chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
  2. Người đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận sẽ được cấp Giấy chứng nhận. Ngoại trừ trường hợp, có những đối tượng không phải nộp hoặc đã được miễn hoặc được ghi nợ theo quy định của Pháp luật.

Trường hợp Nhà nước cho thuê đất, Giấy chứng nhận sẽ được cấp sau khi người sử dụng đất hoàn thành ký kết hợp đồng thuê đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo điều khoản trong hợp đồng quy định.

Nội dung trong giấy chứng nhận quyền sử dụng, đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Nhìn chung, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không khác biệt nhiều so với hai loại sổ trước và có bổ sung thêm một số phần nhỏ. Nội dung của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thể hiện như 2 hình sau:

giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

 

giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Tầm quan trọng của Giấy chứng nhận

Tầm quan trọng của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thể hiện qua một số vai trò phổ biến như sau:

  • Là căn cứ để xác nhận xem ai là chủ đất, chủ sở hữu nhà ở

Giấy chứng nhận chính là căn cứ quan trọng nhất để xác định xem ai là người có quyền được sử dụng đất và ai là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất dựa theo thông tin được ghi tại trang bìa hoặc trang ghi thông tin biến động.

  • Là điều kiện để thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Căn cứ Khoản 1 Điều 188 thuộc Luật Đất đai 2013 quy định:

1. Người sở hữu và sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi và chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thừa kế hoặc thế chấp quyền sử dụng đất; người sở hữu được góp vốn bằng quyền sử dụng đất chỉ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 186 và trường hợp thừa kế được quy định tại Khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;

b) Đất không có sự tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất của người sở hữu không bị kê biên để thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

Căn cứ vào Giấy chứng nhận để xác định có được bồi thường khi khu đất bị thu hồi hay không và được bồi thường bao nhiêu tiền?

Theo Điều 75 thuộc Luật Đất đai 2013, hộ gia đình và các cá nhân sẽ được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khi đáp ứng được 02 điều kiện sau:

Điều kiện 1: Hiện đang sử dụng đất thuộc sở hữu của cá nhân, gia đình chứ không phải là đất đi thuê và phải trả tiền thuê hàng năm.

Điều kiện 2: Phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận mà vẫn chưa được cấp, trừ những trường hợp được nêu trong Khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013.

Là căn cứ để giải quyết những tranh chấp đất đai

Căn cứ Khoản 2 và 3 thuộc Điều 203 Luật Đất đai 2013, những tranh chấp đất đai đã được UBND cấp xã hòa giải mà không thành thì sẽ được giải quyết như sau:

Nếu tranh chấp đất đai gắn liền với đất mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong những giấy tờ được quy định tại Điều 100 thuộc Luật Đất đai 2013 thì sẽ được giao cho Tòa án Nhân dân xử lý.

Tranh chấp đất đai gắn liền với đất mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai thì đương sự chỉ được chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định như sau:

  • Nộp đơn yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh, cấp huyện) giải quyết.
  • Khởi kiện tại Tòa án Nhân dân có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật về Luật tố tụng dân sự.

Như vậy, có thể thấy, việc có Giấy chứng nhận hay không là một trong những căn cứ để có thể đưa ra cách thức giải quyết tranh chấp đất đai và các cơ quan có thẩm quyền cũng dựa vào đó để giải quyết một cách phù hợp nhất.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được sử dụng để làm căn cứ xác định các loại đất ( trong Sổ đỏ và Sổ hồng có phần quy định mục đích sử dụng đất).Giấy chứng nhận là thành phần không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký biến động khi tiến hành thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thế chấp, góp vốn, chuyển mục đích sử dụng đất,…

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý được Nhà nước sử dụng như là để chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp cho chủ sở hữu. Trên đây là những thông tin cơ bản Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ và chi tiết hơn về “Sổ mới”.